Có lẽ trong số chúng ta, ai cũng từng có một câu thần chú trong đầu rất nổi tiếng là “để mai làm”. Bản thân mình ngày trước cũng vậy, mình là người rất lười biếng và luôn hẹn tới hẹn lui, rồi rốt cuộc việc mình làm vẫn chưa đâu vào đâu. Vậy lý do nào khiến bản thân mình trở nên lười biếng và trì hoãn? Bài viết sau đây mình sẽ nói về vấn đề này.
“5 phút nữa mình sẽ dậy”, “xem xong bộ phim này sẽ học bài”, “còn 2 tuần nữa mới thi, xoã đi”,… là những câu mà mình tin rằng mỗi chúng ta đều đã từng suy nghĩ tới. Bạn thử thống kê xem trong 1 ngày mình đã nói bao nhiêu câu như vậy rồi? Và liệu rằng bạn đã hoàn thành nó hay chưa? Nếu hoàn thành rồi thì nó có đạt chất lượng như mình mong đợi hay không?
Tưởng tượng công việc của bạn là 1 cái thùng lớn, động lực của bạn là lực đẩy tới thì tính trì hoãn chính là lực ma sát, và lực ma sát trong trường hợp này chưa bao giờ có lợi cả. Nếu ta muốn đẩy cái thùng một cách nhẹ nhàng, ta có thể dùng nhiều cách, ví dụ như gắn bánh xe vào chân thùng. Tính trì hoãn cũng vậy, nếu bạn gắn “bánh xe” vào việc bạn muốn làm, bạn sẽ đạt được thành công nhất định.
Chúng ta thường trì hoãn bởi vì những lý do sau:
1. Có hứng mới làm
Mình tin chắc rằng với mỗi người đều có 1 câu giống như vầy: “thôi làm biếng quá, có hứng rồi làm luôn” (lâu lâu mình cũng vậy :v). Điều đó rất là nguy hiểm, bởi vì trong cuộc sống đâu phải lúc nào chúng ta cũng có hứng. Ngay cả những người thành công cũng vậy, đôi lúc khi làm việc sẽ cảm thấy mệt mỏi, lười biếng, đó là chuyện rất bình thường. Con người chứ đâu phải trâu bò, đâu phải lúc nào cũng đầy đủ năng lượng để mà làm việc đâu
Mỗi người đều có 1 giải pháp riêng cho vấn đề này, có thể là xả stress bằng cách nghe nhạc, xem phim, đi tán gẫu với bạn bè,… Mình rất khuyến khích điều này, bởi vì trong quá trình ta xả stress, có thể những ý tưởng sẽ “trồi lên”. Và việc chúng ta cần làm khi đó là ghi chú lại việc mình muốn làm để khi giải trí xong, ta có thể bắt tay vào làm ngay lập tức.
Nhưng với những công việc cần ta hoàn thành trong thời gian nhất định thì đào đâu ra thời gian để mả xả stress? Trong nhiều trường hợp, ta cần phải hoàn thành công việc ngay cả khi có hứng hay không có hứng. Quan trọng một điều, những lúc có hứng thì ta phải nỗ lực làm nhiều hơn những khi không có hứng.
2. Không có mục tiêu rõ ràng
Bạn muốn ra trường có việc làm tốt, muốn sau này sẽ học giỏi, muốn được người khác kính trọng. Tất nhiên những điều ước đó rất đẹp, và mình tôn trọng những điều ước của các bạn. Nhưng liệu bạn đã vạch ra những lộ trình để đến với những ước mơ đó chưa?
Ra trường có việc làm tốt, rất nhiều người ước điều này. Và mình khẳng định 1 điều, đa số các ngành nghề nếu ta có đầu tư cho nó thì sau này sẽ có việc làm tốt. Quan trọng là bạn đầu tư những thứ “có liên quan” với nghề bạn chọn. Bạn không thể thích viết phần mềm mà trong khi bản thân suốt ngày đi học nhảy dance, cũng như không thể thích làm ca sĩ mà mình suốt ngày sáng tác những bài thơ… con cóc.
Đặt những mục tiêu để hoàn thành công việc là điều quan trọng, nó giống như việc bạn chơi 1 tựa game RPG mang tên “cuộc sống” vậy. Ban đầu bản thân mình ở level 1, để mạnh hơn thì ta cần phải làm những nhiệm vụ mà các NPC “nhà trường”, “gia đình”, “công ty” giao để lên cấp và có những trang bị mạnh. Trong quá trình chơi game, ta có thể bắt gặp những con boss hoàng kim “đồ án”, “project” rất khó khăn, mà khi ta kết liễu nó sẽ cho những món đồ quý hiếm như “kinh nghiệm”, “sự tin tưởng”, “tiền”. Và cuối cùng ta phải về đích, kết liễu trùm cuối để hoàn thành tựa game.
Bạn thấy đấy, công việc khi chia ra làm những mục tiêu nhỏ nhưng rõ ràng sẽ khiến bạn thấy hào hứng hơn phải không nào? Vậy bạn tưởng tượng xem, mình đã ở level mấy rồi?
3. Nghĩ rằng nó dễ hoàn thành
“Xời, bài toán này dễ mà, để tí rồi làm”, “ông sếp giao việc có khó gì đâu, mai làm cũng được” là những câu tự an ủi bản thân khi gặp những việc được giao. Và thường tới những lúc ta bắt đầu làm mới nhận ra rằng có nhiều vấn đề phát sinh hơn ta tưởng. Đó chính là lúc sự trì hoãn bắt đầu thể hiện, và ta nhận ra rằng thời gian còn lại để hoàn thành công việc là không đủ…
Điều đó rất nguy hiểm, nó tạo cho ta thói quen ỷ lại, nghĩ rằng mình có thể hoàn thành công việc một cách nhanh gọn. Nhưng “đời đâu như là mơ”, rất nhiều lý do khiến ta chưa hoàn thành công việc, và đấy là 1 ví dụ điển hình. Vì vậy, mỗi bản thân khi có việc phải hoàn thành thì phải làm ngay lập tức, bất kể nó có khó khăn hay không.
4. Xao lãng
Trong quá trình bạn làm việc, đôi lúc sẽ có những tác động ngoại cảnh ảnh hưởng. Chẳng hạn như âm thanh quen thuộc dưới đây:
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, thì công nghệ hay những trang mạng xã hội lớn như Facebook, Google+ là nguyên nhân chính của sự xao lãng. Bạn có thể ngắt ngang công việc chỉ để trả lời tin nhắn của bạn rủ đi ăn, hay bỏ hẳn chỉ vì “có kèo đi chơi”. Tất nhiên là bạn sẽ hoàn toàn quên hẳn công việc mà mình đang làm khi nãy.
Tất nhiên, đôi lúc trong công việc ta cần phải có sự nghỉ ngơi, giải trí. Nhưng làm sao để không trộn lẫn công việc với giải trí lại là 1 vấn đề khác. Bạn có thể tạm thời tắt Facebook, đóng 1 cửa sổ xem phim yêu thích, để điện thoại ở chế độ yên lặng để tập trung hoàn thành công việc. Có thể “tự thưởng” cho bản thân khi hoàn tất việc, chẳng hạn như “xong đống bài tập mình sẽ xem 3 tập phim”, “code xong deadline mình sẽ làm vài ván LoL”,… như vậy sẽ giúp ta có động lực để hoàn thành việc hơn (nhưng đừng vì vậy mà làm ẩu nhé!).
Có một câu chuyện như thế này:
“Mỗi buổi sáng, một ngân hàng sẽ mở cửa và chuyển cho bạn $86400, nhưng kèm theo 2 điều kiện:
- Tất cả số tiền không chi tiêu trong ngày thì đến tối sẽ bị lấy đi. Ta không thể gian lận, không thể gửi tiền sang tài khoản khác mà chỉ có cách là chi tiêu. Nhưng sáng hôm sau ngân hàng sẽ chuyển cho bạn $86400 mới.
- Ngân hàng có thể đóng cửa bất kì lúc nào mà không cần phải báo trước, và sẽ không có tài khoản khác cho bạn.
Liệu bạn có biết được ngân hàng hào phóng trên là gì không?”
Vâng, đó chính là thời gian. Mỗi buổi sáng, ta được phát 86000 giây, vậy bạn tưởng tượng khi bạn xao lãng trong khoảng 1 giờ thì bạn phải tổn thất bao nhiêu? $3600 đấy! Và trung bình những người xao lãng thường chi trả 2 đến 3 tiếng chỉ để “làm những việc linh tinh”.
Với mỗi người có những cách hạn chế trì hoãn khác nhau, nhưng điều tiên quyết là phải biết quản lý thời gian hợp lý. Bạn có thể tạm ngưng công việc đang làm, nhưng thời gian thì không, nó vẫn trôi qua đều đặn đấy thôi. Một người thành công là những người biết làm chủ thời gian, bởi vì thời gian chẳng hề dư ra, và nếu bạn không biết tận dụng – thiệt hại chỉ thuộc về BẠN.
Đừng bao giờ để đến ngày mai những việc bạn có thể làm ngày hôm nay.
Có lẽ với mỗi bản thân thì trì hoãn rất khó để bỏ hoàn toàn, nhưng hạn chế thì có thể. Vậy liệu bạn đã hoàn thành việc mình đang làm ngày hôm nay chưa?
Nhận xét
Đăng nhận xét